Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài và làm mất đi màu sắc rực rỡ.
12 tháng qua ghi nhận là thời điểm nóng nhất hành tinh và nhiệt độ đại dương đã tăng vọt. Theo dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Ủy ban Châu Âu, nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 và một lần nữa vào tháng 3.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo đây có thể trở thành thời kỳ tẩy trắng san hô tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo khi nhiệt độ tăng lên 2 độ - mức mà thế giới có thể đạt tới vào khoảng năm 2050 thì khoảng 99% san hô trên Trái đất sẽ chết.
Vào tháng 4, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) có trụ sở tại Mỹ cho biết thế giới đang trải qua sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu hiếm thấy. Đây là sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ 4 từng được ghi nhận kể từ cuối những năm 1990 - gây ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia.
![]() |
Thế giới đang trải qua sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu hiếm thấy. Ảnh: Hiệp hội bảo tồn biển Australia/Grumpy Turtle. |
San hô có thể phục hồi sau quá trình tẩy trắng nếu nhiệt độ trở lại bình thường, nhưng chúng sẽ chết nếu nhiệt độ nước biển nóng hơn.
Ngoài việc là môi trường sống thiết yếu cho sinh vật biển, các rạn san hô còn rất quan trọng đối với các cộng đồng ven biển trên thế giới. Chúng hoạt động như một hệ thống phòng thủ quan trọng chống lại mối đe dọa lũ lụt do bão và mực nước biển dâng, đồng thời cung cấp sinh kế và nguồn thực phẩm quan trọng cho các loài sinh vật biển cho khoảng một tỷ người trên toàn cầu.
Ông David Ritter, Giám đốc điều hành của Greenpeace Australia nhấn mạnh các rạn san hô đang phải đối mặt với "mối nguy hiểm hiện hữu" và nguyên nhân trực tiếp thuộc về các công ty nhiên liệu hóa thạch và các chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp này.