Các chuyên gia cho rằng, khi chúng ta già, các melanocyte không hoạt động, nhưng vẫn hiện hữu. Chúng ta càng già, số lượng melanocyte càng giảm. Kết quả là ngày càng ít melanin, cho đến khi không còn. Do đó, tóc từ từ chuyển sang màu trắng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tóc bạc không chỉ là dấu hiệu của tuổi tác, mà còn là tín hiệu phản ánh sức khỏe.
![]() |
Kết quả của nghiên cứu không đưa đến kết luận người có nhiều tóc bạc có khả năng tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ảnh minh họa. |
Robert Lefkowitz - người giành giải Nobel Hóa học năm 2012 - dẫn đầu nhóm nghiên cứu, phát hiện cơ chế có thể giải thích lý do stress, căng thẳng lại khiến chúng ta già đi. Theo đó, căng thẳng có sự liên quan hệ thần kinh. Thông thường, những phản ứng thần kinh này ngắn ngủi, nhanh kết thúc, sẽ mang lại lợi ích cho con người. Tuy nhiên, căng thẳng lâu dài gây ra phản ứng thần kinh kéo dài, có thể gây tổn thương DNA.
Quá trình này thúc đẩy sự lão hóa, sự phát triển của khối u, sẩy thai, điều kiện tâm thần, và khiến tóc bạc. Tóc bạc là do có ít melanin trong keratin. Càng ít melanin, càng có nhiều tóc bạc. Người có mái tóc bạc trắng nghĩa là không có chút melanin nào trong keratin.
Một số yếu tố khác khiến tóc bạc như khuyết tật di truyền, sản xuất nội tiết tố bất thường như trong trường hợp căng thẳng đột ngột hoặc mãn tính, hắc tố melanin phân phối bất thường, các yếu tố khí hậu, chất ô nhiễm, độc tố, tiếp xúc hóa chất.
Nếu cơ thể thiếu vitamin B1 và vitamin B2, tóc sẽ xuất hiện những sợi bạc. Thành phần chính của tóc liên quan mật thiết với protein nên nếu cơ thể thiếu dưỡng chất này, hiện tượng tóc bạc sẽ sớm xuất hiện...
Việc xuất hiện tóc bạc gây ra phiền toái cho không ít người, đặc biệt đối với một số bạn trẻ. Chỉ một vài sợi tóc trắng cũng có thể khiến chúng ta trông già hơn vài tuổi. Vì vậy, nhiều người sẽ tìm đến giải pháp nhuộm để che đi phần tóc này.
Việc nhuộm tóc sẽ mang lại những tác hại nhất định đối với sức khỏe. Nguyên nhân là thuốc nhuộm có nhiều chất hóa học. Thậm chí, có thông tin cho rằng, người nhiều tóc trắng không dễ bị ung thư.
Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Da liễu của Đại học Harvard, Mỹ, tin rằng tóc trắng là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Các gene tế bào cản trở melanin bị phá hủy và loại bỏ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Thực chất nghiên cứu về mối liên hệ giữa tóc trắng và bệnh ung thư này xuất phát từ thí nghiệm trên chuột được các nhà nghiên cứu Nhật Bản thực hiện năm 2009.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, khi DNA bị tổn thương, các tế bào gốc melanin trong nang lông sẽ không "chết" mà biến đổi thành tế bào hắc tố trưởng thành. Tuy nhiên, nó không thể sản xuất melanin nữa, nên lông của chuột chuyển sang màu xám.
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu không đưa đến kết luận người có nhiều tóc bạc có khả năng tăng hoặc giảm nguy cơ mắc ung thư. Do đó, việc kết luận người có nhiều tóc bạc ít nguy cơ bị ung thư vẫn chưa có cơ sở khoa học chính xác.
Bác sĩ chuyên khoa ung thư tế bào hắc tố ở Bệnh viện Ung thư Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng, tuyên bố này còn khá phiến diện vì quá trình hình thành u hắc tố và tóc bạc rất phức tạp. Mỗi bộ phận trên cơ thể đều chịu tác động của biến đổi ác tính trên tế bào hắc tố. Do đó, kết luận người có nhiều tóc bạc ít nguy cơ bị ung thư vẫn chưa có cơ sở chính xác