Kiếm 30 triệu/tháng, cô gái vẫn rời Hà Nội về vùng quê xa lạ sống một mình
19/03/2025 14:35
Cuối năm 2023, khi đang có công việc ổn định, nhiều cơ hội phát triển và mức thu nhập tốt ở tuổi 24 - khoảng 30 triệu đồng/tháng, Phạm Thu Phương (SN 1999) rời Hà Nội, đi tìm một vùng quê để sinh sống.
Cuối năm 2023, khi đang có công việc ổn định, nhiều cơ hội phát triển và mức thu nhập tốt ở tuổi 24 - khoảng 30 triệu đồng/tháng, Phạm Thu Phương (SN 1999) rời Hà Nội, đi tìm một vùng quê để sinh sống.
Lời tòa soạn:
Giấc mơ có nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn xa vời với không ít gia đình trẻ. Trong khi nhiều người đang chật vật co kéo thu nhập để thực hiện ước mơ ấy thì nhiều người đã mạnh dạn chọn cho mình một lối đi riêng.
Có người chọn về quê sinh sống vì mưu sinh ở thành phố lớn quá khó khăn. Có người về quê để bớt gánh nặng nợ nần nhà cửa... Nhiều người chưa dám rời thành phố thì nuối tiếc, băn khoăn. Nhiều người đã “bỏ phố” rồi thì lại hài lòng, không hối tiếc.
VietNamNet giới thiệu tuyến bàiBỏ phố về quê, chia sẻ những tâm tư, câu chuyện của người trong cuộc.
Giờ đây, mỗi ngày, cô dậy sớm đi chợ làng, ăn quà quê giá vài ngàn đồng, làm việc tại nhà. Buổi chiều Phương ra biển ngắm hoàng hôn, trò chuyện với bà con làng biển.
"Mình không còn vật vờ vì đau ốm liên tục. Sau nhiều năm, mình cảm nhận được niềm vui khi ăn bữa cơm ngon, khi thức dậy sớm nhưng đầy tỉnh táo thay vì cơ thể rệu rã, đầu óc trống rỗng", Phương tâm sự.
Hiện tại, Phương làm marketing online, khách hàng là các nhà hàng, khách sạn tại Vũng Tàu; hỗ trợ đặt phòng cho một số homestay ở Đông Hòa (Phú Yên); xây dựng kênh TikTok cá nhân để quảng bá du lịch Phú Yên và làng Lò.
Chiều hoàng hôn bình yên ở làng Lò (phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), nơi Phương sinh sống
Biến cố nối tiếp biến cố
Phương sinh ra ở Hưng Yên nhưng từ nhỏ đã theo bố mẹ đi làm kinh tế ở nhiều tỉnh khác nhau. Nơi cô sống lâu nhất là Bình Phước, trước khi ra Hà Nội học đại học và ở lại trong khoảng 7 năm.
Khi Phương đang học năm thứ 2 đại học, bố mẹ làm ăn thất bát, lâm cảnh vỡ nợ, mất toàn bộ nhà đất và tài sản. Cô phải đón em trai 17 tuổi ra chăm sóc. Hai chị em thuê một phòng trọ xập xệ, hè nóng như đổ lửa, mưa dột lênh láng.
Mỗi ngày, ngoài thời gian đi học, Phương xoay xở đủ việc từ rửa bát, chạy tiệc đám cưới, phục vụ nhà hàng, gia sư… Cuộc sống thiếu thốn, vất vả, có những ngày cơm không kịp ăn nhưng Phương chưa từng nghĩ tới việc bỏ học.
Tranh thủ thời gian ít ỏi, cô sinh viên vẫn học thêm các kỹ năng như viết bài, chụp ảnh, dựng video. Dần dần, những tấm ảnh chụp và video của Phương được nhiều người thích thú, thậm chí còn liên hệ để cộng tác.
Một khách sạn 4 sao đã đề xuất nhận Phương làm nhân viên marketing. Sau nửa năm tập trung cao độ, kiến thức vững và kiểm soát khối lượng công việc tốt hơn, Phương bắt đầu tìm thêm công việc bên ngoài.
Khi lượng việc đều đặn, thu nhập tăng dần, Phương bắt tay đào tạo đội ngũ cộng tác viên và xây dựng quy trình làm việc chỉn chu. Năm 2023, ở tuổi 24, Phương có thu nhập chạm mốc 30 triệu đồng/tháng, có thể lo chăm sóc mẹ, em trai.
Nhưng đây cũng là lúc, sức khỏe của Phương sa sút nhiều. Đỉnh điểm, cuối năm 2023, Phương suy nhược nghiêm trọng. "Thời gian này, mỗi sáng mở mắt ra, mình đều không biết sống tiếp để làm gì”, Phương nói.
Cô quyết định từ bỏ vị trí công việc tốt, nhiều cơ hội phát triển, rời Hà Nội, tìm tới một vùng quê.
24 tuổi, Phương chọn rời Hà Nội để đi tìm cuộc sống khiến cô hạnh phúc hơn
Đối mặt khủng hoảng
Trước khi rời Hà Nội, Phương chuẩn bị một khoản dự phòng để sử dụng trong 6 tháng, khoảng 100 triệu đồng, bao gồm cả tiền định kỳ gửi về cho mẹ khám bệnh.
Phương xác định, khi về các vùng quê, cô sẽ không dễ dàng tìm công việc. Do đó, Phương duy trì nhóm cộng tác viên để vận hành hiệu quả các dự án đã có.
"Mình muốn tìm tới sống ở vùng quê. Tự biết sức khỏe không đủ tốt để làm các công việc đòi hỏi thể lực nên mình tập trung phát triển tối đa cho thế mạnh làm marketing online mảng du lịch, khách sạn”, Phương cho hay.
Cô cũng lên các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. "Mình lên lộ trình di chuyển để tìm kiếm nơi dừng chân phù hợp. Nhưng may mắn, ngay khi tới Phú Yên, mình đã yêu mến nơi này, chọn làm nơi dừng chân", Phương cho biết.
Tiêu chí tìm kiếm nơi sống của Phương là gần biển, nhiều cây xanh, không quá đông khách du lịch để có thể hồi phục sức khỏe. Cô ưu tiên nơi gần bệnh viện, cách sân bay không quá xa, mức chi phí sinh hoạt không quá cao, người dân giản dị.
Có sự chuẩn bị trước nhưng khi "về quê", Phương vẫn đối mặt khủng hoảng. Cô cho rằng, bản thân "rời phố" vì cảm xúc mà chưa chuẩn bị thực sự chu đáo.
Tháng đầu tiên tới Phú Yên, Phương "thả trôi" tuyệt đối, tiền tiêu xông xênh hơn trước, muốn bù đắp cho bản thân sau thời gian "cày cuốc". Cô thuê nhà dài hạn ở Tuy Hòa giá tương đối cao nhưng hứng lên là bỏ đi các tỉnh khác liên tục.
"Mình không quản lý chi tiêu chặt, thêm phần chủ quan có công việc online thu nhập tốt, cứ thích là tiêu, thích là đi. Người thân ốm, người thân làm ăn khó, gọi điện tới là mình vội vàng gửi về. Chỉ vài tháng khoản tiền dự phòng của mình chạm đáy. Sự thiếu thốn về tiền bạc làm mình khủng hoảng tinh thần", Phương kể.
"May mắn, mình đã chủ động công việc trước nên chưa túng thiếu đến mức phải quay về thành phố. Sau 2-3 tháng, mình chuyển vào Đông Hòa", cô nói. Phương chọn thuê nhà ở làng Lò - ngôi làng nằm kề bên biển.
Phương bắt đầu sống "chậm lại", nhận ra những sai lầm khi "về quê". "Mình nhận ra cần quản lý chi tiêu chắc tay. Trước khi chọn nơi sinh sống dài hạn, phải tìm hiểu kỹ về địa phương đó, tránh tình trạng người nơi này mà tâm nơi khác", Phương nói.
Phương thuê một ngôi nhà cách xa trung tâm thành phố nhưng sát biển, không khí trong lành, thoáng đãng để cải thiện sức khỏe
Nơi Phương sống có mức chi phí không cao, người dân thân thiện
Theo Phương, khi chọn nhà thuê nên để ý cơ sở vật chất trong nhà, môi trường sống xung quanh có thể đáp ứng được các mùa trong năm không, đừng chỉ cảm nhận trong ngắn hạn.
"Một điều quan trọng là không nên chủ quan dù có thể làm online, bởi việc có thể mất bất cứ lúc nào, còn công việc tại địa phương cũng không dễ để tìm được ngay. Mình phải tìm hiểu trước trong các hội nhóm để có dự phòng.
Ví dụ, ở Phú Yên chủ yếu tuyển các công việc như phục vụ, giao vận, bán hàng... nên mình phải tính đến khả năng nếu mất việc online thì có thể làm những công việc đó không. Nếu không, mình buộc phải quay về thành phố", Phương chia sẻ.
Hiện tại, Phương cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Sau thời gian "khủng hoảng" ngắn, cô đã tìm được cách khắc phục. Sức khỏe của Phương cải thiện rõ rệt, từ đó có nhiều cảm hứng để phát triển công việc. Phương đang lên kế hoạch đón mẹ vào sống chung.
Tên gọi quê nhà tha thiết lắm. Cái tên ấy được ghi trong giấy khai sinh khi ta vừa cất tiếng khóc chào đời, ghi trong căn cước khi ta trưởng thành, ghi vào giấy chứng tử ...
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, vụ việc phát ngôn gây bão của MC Bích Hồng không đơn thuần là chuyện cá nhân, đó còn là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, làm lộ ra khoảng trống đáng lo ng...
TRUNG QUỐC - Anh chàng shipper dừng chân tại một cửa hàng xổ số để tránh gió to, vô tình mua được tờ vé cào trúng thưởng 1 triệu Nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng).
Chùa Tiêu Dao được tạo nên bởi hàng chục ngàn sản phẩm gốm sứ của các nghệ nhân Bát Tràng (Hà Nội). Chùa có kiến trúc độc đáo, thu hút du khách thập phương.
Suốt 10 năm qua, Đại úy Hơ Văn Di thuộc đồn biên phòng Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đứng lớp xóa mù chữ cho dân bản. Anh đã dạy cho hàng trăm người dân biết đọc,...
Nghề làm giò chả ở làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tồn tại khoảng 500 năm. Con, cháu trong làng đã mang nghề gia truyền đi khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Làng sinh thái Thái Hải có khoảng 200 người dân cùng sinh sống. Ở đây, dân làng ăn chung, dùng đồ chung, nhà ai kiếm được tiền cũng góp chung vào quỹ làng, không ai giàu ...