Cả một quá trình trong nhiều năm, chúng ta sử dụng nước lọc, rồi đến nước đóng chai thay cho nước đun sôi để nguội truyền thống. Điều này có một phần rất lớn tác động từ những hệ quả của hoạt động truyền thông, quảng cáo của các nhà sản xuất nước đóng chai.
Công nghệ kính hiển vi tán xạ Raman tăng cường, còn được gọi là SRS mới được giới thiệu đã bóc trần sự thật mà các số liệu lâu nay vẫn "ru ngủ" chúng ta an tâm khi sử dụng.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học từ Đại học Colombia đã giới thiệu công nghệ kính hiển vi có thể phát hiện khoảng 110.000 - 370.000 hạt nano nhựa có trong chai nước một lít.
Để so sánh, trước đây, các con số đưa ra cho thấy chỉ có khoảng chừng 300 hạt nano nhựa trên mỗi lít.
![]() |
Những con số về lượng hạt vi nhựa trong nước đóng chai vừa được công bố làm cho các nhà sản xuất nổi cáu. |
Tình trạng nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm bởi hạt nano và vi nhựa (NMP), có thể có đường kính nhỏ bằng một phần nghìn milimét hoặc lớn tới 5 milimét, ngày càng trở nên phổ biến. Tác động của những hạt này đối với sức khỏe con người vẫn đang được nghiên cứu, mặc dù các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng việc ăn phải chúng có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Trên tất cả, điều khiến cho các nhà sản xuất nước đóng chai mất vui là hầu hết vi nhựa trong nước đóng chai đến từ chính những chai nhựa, chủ yếu là nhựa PET. Hạt nhựa PET có thể vỡ ra thành những hạt nhỏ hơn khi đóng mở nắp chai nhựa, bóp mạnh chai hoặc để ở nơi có nhiệt độ cao, chẳng hạn trong ôtô.
Nghiên cứu trên tăng thêm lo ngại về rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng nước đóng chai. Các hạt nhựa chứa các hóa chất có thể làm gián đoạn quá trình giải phóng hormone tự nhiên của cơ thể con người, tăng nguy cơ rối loạn nội tiết và gây ung thư.
Người phát ngôn của Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế (IBWA) cho rằng nghiên cứu mới này cần được đánh giá đầy đủ bởi giới khoa học và cần có nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra phương pháp đo lường được chuẩn hóa để xác định lượng nano nhựa có trong môi trường.
“Hiện tại thiếu phương pháp chuẩn hóa và chưa có đồng thuận khoa học về tác động tiềm ẩn của hạt nhựa nano và vi nhựa đến sức khỏe. Do đó, phương tiện truyền thông đưa tin về những hạt này trong nước uống chẳng có tác dụng gì hơn ngoài việc khiến người tiêu dùng sợ hãi không cần thiết”, người phát ngôn IBWA nói thêm.
Nhưng mặc kệ sự bực dọc đến "xù lông" của các nhà giới kinh doanh, các nhà khoa học vẫn điềm tĩnh đưa ra những cách để loại bỏ các hạt nhựa này.
Trong một nghiên cứu vừa được Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ chứng nhận, chỉ cần một phương pháp rẻ tiền để giảm thiểu tình trạng này.
Tiến sĩ Zhanjun Li, Eddy Zeng và các đồng nghiệp Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc muốn xem liệu đun sôi có thể là một phương pháp hiệu quả để giúp loại bỏ NMP khỏi cả nước cứng (nhiều khoáng chất) và nước mềm hay không.
![]() |
Chỉ cần đun sôi nước thì có thể loại bỏ được đến 90% các hạt vi nhựa nano. |
Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu nước máy cứng từ Quảng Châu, Trung Quốc và thêm vào chúng những lượng NMP khác nhau. Các mẫu được đun sôi trong năm phút và để nguội. Sau đó, nhóm nghiên cứu đo hàm lượng nhựa trôi nổi tự do.
Đun sôi nước cứng, giàu khoáng chất, tự nhiên sẽ tạo thành chất phấn gọi là cặn vôi hay canxi cacbonat (CaCO3). Kết quả từ các thí nghiệm này chỉ ra rằng khi nhiệt độ nước tăng lên, CaCO3 hình thành các chất rắn hoặc cấu trúc tinh thể bao bọc các hạt nhựa rồi tích tụ vào các dụng cụ đun nước.
Vậy nên chúng ta phải vui mừng khi cọ rửa "cặn vôi" khi ấm nước hay phích nước nhà bạn lâu lâu lại đóng một lớp dày.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, có thể loại bỏ mọi chất rắn còn sót lại trôi nổi trong nước bằng cách đổ nó qua một bộ lọc đơn giản như ...pha cà phê.
Trong các thử nghiệm, hiệu ứng đóng gói rõ rệt hơn ở trong một mẫu chứa 300 miligam CaCO 3 trên một lít nước, có tới 90% MNP trôi nổi tự do đã bị loại bỏ sau khi đun sôi. Tuy nhiên, ngay cả trong các mẫu nước mềm (dưới 60 miligam CaCO3 /lít), đun sôi vẫn loại bỏ khoảng 25% NMP. Các nhà nghiên cứu cho biết công trình này có thể cung cấp một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm mức tiêu thụ NMP.